Hiện nay, để chuyển tải những lô hàng với số lượng lớn từ tàu biển ở các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đa số chủ hàng phải thông qua nhiều kênh trung gian thu gom hàng chục chiếc sà lan chờ sẵn ở cảng để lập tức bốc dỡ hàng ngay khi tàu vào, tránh các chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, việc huy động cùng lúc nhiều sà lan mà năng lực xếp dỡ hàng tại cảng có hạn, dẫn tới tình trạng sà lan phải nằm rỗng "chờ tài" đợi đến lượt, có khi lên đến hơn 10 ngày. Trong khi đó, các chủ hàng khác lại luôn gặp khó khăn để tìm được sà lan chuyên chở cho hàng hóa của mình.
Sà lan neo đậu chờ hàng tại Cái Mép Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Phạm Thanh Tùng - đại diện công ty Công ty CP IziFix nhận thấy đây là một sự lãng phí nguồn lực không đáng có, hoàn toàn có thể giải quyết được nếu có một đầu mối thông tin uy tín giúp cung và cầu sà lan gặp nhau. Ý tưởng lập ra sàn giao dịch trực tuyến IziFix cho vận tải thủy manh nha từ đó.
Dành nhiều thời gian để khảo sát, ông nhận thấy việc áp dụng công nghệ vào ngành vận tải thuỷ nội địa là khả thi, có thể giải quyết được vấn đề mất cân bằng cung cầu phương tiện vận chuyển. Theo ông, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, chủ sà lan có thể kết nối trực tiếp với chủ hàng, giảm bớt thời gian chờ và nâng cao hiệu suất khai thác sà lan.
"Hơn nữa, điện thoại thông minh và máy tính bảng đã được sử dụng rộng rãi nhờ mức giá tốt cùng kết nối Internet thuận tiện qua 3G hay Wi-Fi. Do đó, việc phổ cập công nghệ của IziFix là hết sức khả quan", ông Tùng tự tin nói.
Ứng dụng IziFix tương thích với các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS. Bất cứ ai cũng có thể tải trên các chợ ứng dụng CH Play (cho smartphone Android) hoặc App Store (iOS) và đăng ký để bắt đầu sử dụng.
"Quá trình đăng ký - đăng tin chỉ qua vài bước đơn giản, ứng dụng có giao diện thân thiện, nên người dùng dù không rành về công nghệ cũng thao tác dễ dàng", ông Tùng nói.
Giao diện ứng dụng IziFix thân thiện dễ dàng cho người dùng.
Hoạt động theo mô hình sàn giao dịch trực tuyến, chủ hàng muốn tìm người vận chuyển hay chủ phương tiện có nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ đăng tin lên sàn giao dịch vận tải IziFix.
Do thông tin thể hiện công khai nên các bên sẽ xem và chọn lọc những đối tác phù hợp, sau đó liên hệ qua điện thoại, tin nhắn hoặc email rồi thương thảo, ký kết hợp đồng dịch vụ. Tất cả quy trình trên ứng dụng đều hoàn toàn miễn phí, người dùng chỉ cần đảm bảo điện thoại của mình có kết nối Internet.
Nếu trước đây, khi sà lan không có hàng thì chỉ biết tìm thông tin qua các đối tác quen thuộc và nằm chờ thì hiện nay, chủ phương tiện có thể tận dụng đăng tin lên IziFix, tiếp cận trực tiếp hàng trăm chủ hàng để cắt ngắn thời gian rảnh rỗi, tối ưu hóa việc khai thác vận chuyển.
Ngược lại, nguồn thông tin từ IziFix cũng giúp chủ hàng chủ động tìm kiếm phương tiện phù hợp với nhu cầu vận chuyển của mình. Thông qua hệ thống, người dùng dễ dàng quản lý và giám sát phương tiện đang vận chuyển hàng theo thời gian thực bằng GPS.
Một chức năng khác của IziFix đang được các chủ sà lan quan tâm đó là "Mua bán sà lan" với đầy đủ thông tin rõ ràng, minh bạch, góp phần điều tiết cung cầu về phương tiện vận tải, giảm thiểu dư hoặc thiếu phương tiện vận tải trên thị trường.
"Mục tiêu chính hiện tại của IziFix là giúp mọi người làm quen với phương thức giao dịch vận tải thông minh. Do vậy, chúng tôi chưa tính đến doanh thu ở giai đoạn này. Một khi xây dựng hệ sinh thái phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng, tôi tin IziFix sẽ tạo nên doanh thu hiệu quả qua các dịch vụ tiện ích đi kèm", ông Tùng chia sẻ.
Sau 3 tháng triển khai thí điểm, ứng dụng IziFix hiện đã có hơn 250 chủ hàng là các doanh nghiệp lớn và chủ phương tiện tham gia.
Theo khảo sát của ban quản trị hệ thống, bước đầu tỷ lệ kết nối giao dịch thành công vào khoảng 30%, giúp giảm giá cước và tăng hiệu suất khai thác phương tiện đến 10%. Trong thời gian tới, IziFix sẽ phát triển nhiều dịch vụ mới cho người dùng như tổ chức các sàn đấu giá sà lan, đấu thầu vận chuyển, kết hợp thêm sàn giao dịch đường bộ và đường biển với các tính năng ưu việt để phục vụ đa dạng đối tượng sử dụng.
Ưu điểm của vận tải thủy đó là có thể chuyên chở với khối lượng lớn, giảm tải cho đường bộ, giúp giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Trong quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa giai đoạn 2015-2020 của Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ đảm nhận hàng hóa của đường thủy nội địa hướng đến mục tiêu 17,72% khối lượng vận tải toàn ngành giao thông vận tải. Tốc độ tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa bình quân 11,2% một năm, đạt 393,89 triệu tấn. Quy hoạch cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của vận tải đường thủy nội địa trên các hành lang vận tải chính kết nối với cảng biển để nâng cao hiệu quả khai thác, đẩy mạnh vận tải đa phương thức và giảm chi phí dịch vụ logistics.
Minh Trí
(Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/san-giao-dich-truc-tuyen-dau-tien-cho-van-tai-duong-thuy-3455351.html)