Danh mục
Tin tức sự kiện
Lọt phương tiện thủy không đăng kiểm từ xưởng sản xuất
Theo lộ trình sau năm 2020, các cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác về các cơ sở này, trong khi đó, việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) của nhiều cơ sở rất kém, thậm chí phớt lờ.
Nhiều cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy không tuân thủ các quy định về cảng, bến, môi trường
Dễ lọt tàu không đăng kiểm
Trực tiếp ghi nhận thực tế trên tuyến sông Hồng, Lô, Chảy khu vực phía Bắc những ngày qua, PV Báo Giao thông bắt gặp hàng chục phương tiện thủy chở hàng còn mới, trọng tải trên dưới 100 tấn lưu thông nhưng không có số hiệu đăng kiểm, biển số đăng ký. Trên sông Lô tại khu vực gần cảng Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), thuyền viên của một tàu không đăng kiểm, đăng ký ậm ừ cho biết, tàu mới được đóng tại một bến ven sông Hồng và đang chờ chủ cơ sở "lo" giấy tờ.
Từ thực tế trên, PV tìm hiểu thêm cho thấy, tình trạng hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy hiện nay khá lộn xộn; Nhiều cơ sở đặt ngay sát mép sông nhưng không có giấy phép mở bến thủy và hầu hết xả thẳng chất thải công nghiệp ra sông. Bên cạnh đó, không ít cơ sở cố tình bỏ qua các cơ quan quản lý về cảng bến, thủ tục cho phương tiện lưu thông; Thậm chí còn dẫn đến chuyện đóng "chui" phương tiện.
Ông Lê Quang Trung, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực Sơn Tây (Hà Nội) kể, ngày 29/9 vừa qua, lực lượng cảng vụ phối hợp cùng chính quyền một phường của TX Sơn Tây kiểm tra hồ sơ pháp lý và điều kiện an toàn của một cơ sở đóng mới phương tiện thủy nằm ven sông Hồng. Trước đó, cơ sở này được xác định chưa có giấy phép mở bến thủy, cũng như không đáp ứng các điều kiện về bảo đảm môi trường. Tuy vậy, khi đoàn công tác đến kiểm tra, chủ cơ sở thẳng thừng tuyên bố không cần xuất trình giấy tờ gì.
"Trước khi đến kiểm tra, chúng tôi đã thông báo lịch để chủ cơ sở biết. Trực tiếp một Phó chủ tịch phường cũng tham gia đoàn kiểm tra, nhưng chủ cơ sở vẫn không chịu xuất trình giấy tờ, không hợp tác và cũng không ký vào biên bản", ông Trung nói và nhắc lại vụ phương tiện thủy đâm vào cầu An Thái (Hải Dương) xảy ra hồi đầu năm 2016, cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện tiếp nhận phương tiện dù chưa có sự đồng ý của cơ quan cảng vụ, để tàu rời đi khi chưa có phép theo quy định.
Cần cơ chế liên ngành
Bất cập nhất hiện nay là nhiều cơ sở đóng phương tiện không đáp ứng các quy định về cảng, bến, môi trường nhưng chủ cơ sở chỉ quan tâm đến sản phẩm "đầu ra".
"Để quản lý chặt phương tiện đóng mới, Cục Đăng kiểm VN cần kiên quyết không đăng kiểm bất kỳ phương tiện nào được đóng, sửa chữa tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện liên quan về cảng, bến. Chính quyền địa phương cũng phải yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở không đủ điều kiện về đất đai, hạ tầng", Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Sơn Tây Lê Quang Trung đề xuất.
Theo Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2 Phan Quang Tuấn, thực tế nhiều cơ sở đóng phương tiện thủy tuy được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh nhưng lại không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ. Năm 2005, có nghị định quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và quản lý đối với các cơ sở đóng mới phương tiện thủy, nhưng không quy định cụ thể việc kiểm soát thuộc cơ quan nào. |
Khó khăn nhất hiện nay là chưa có thống kê đầy đủ về cơ sở đóng mới phương tiện thủy. Nếu chỉ căn cứ theo giấy chứng nhận kinh doanh, theo Cục Đăng kiểm VN, toàn quốc có 674 cơ sở. Đến nay, dù đã có tiêu chuẩn xếp loại các cơ sở đóng phương tiện, theo hướng năng lực đến đâu được đóng phương tiện tương đương đến đó, song lộ trình phải đến sau năm 2020, các cơ sở đã thành lập trước đây mới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.
Trả lời câu hỏi của PV, liệu lộ trình trên có khiến việc quản lý cơ sở đóng phương tiện trở nên lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phương tiện đóng chui, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho rằng, cơ sở đóng tàu khi được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh có nghĩa vụ tuân thủ các quy định liên quan, cơ quan đăng kiểm chỉ có thẩm quyền kiểm soát chất lượng phương tiện được đóng mới.
"Cơ quan đăng kiểm không có thẩm quyền yêu cầu các điều kiện khác như mệnh lệnh hành chính để cho phép cơ sở có được đóng hay không đóng tàu. Thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc các lực lượng chuyên ngành khác", đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Hồng Xiêm
(Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/lot-phuong-tien-thuy-khong-dang-kiem-tu-xuong-san-xuat-d171146.html)
- Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Đường thủy nội địa Việt ...
- Thông báo kết quả tuyển dụng viên chức năm 2024
- Thông báo triệu tập thí sinh dự xét tuyển viên chức Vòng 2 năm 2024
- Thông báo triệu tập thí sinh sát hạch Tiếng Anh, Tin học Vòng 1
- Giao lưu bóng đá hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành giao ...
- Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Đường thủy nội địa Việt ...
- Giao lưu bóng đá hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành giao ...
- Tăng cường phối hợp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Chi Đoàn thanh niên Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tích cực tổ chức, ...
- Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trong dịp ...
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Hội ...
- Bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Ngọc - Nguyên Phó Tổng biên tập thường ...
- Kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Thư chức mừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày ...
- Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II thực hiện chức năng quản lý nhà nước ...