Tin tức sự kiện

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc và đức độ

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923 trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nước tại Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Mới 12 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1939, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã dành trọn cuộc đời chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Một nhân cách đức độ, giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người, luôn được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo, được bạn bè quốc tế cảm phục. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn,… Đồng chí hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, quốc tế. Dù ở cương vị, trọng trách, điều kiện hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia gắn liền với tên tuổi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, có giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước..

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TTXVN

            Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng đảm nhận cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (từ năm 1982 đến 1986). Thời gian giữ chức vụ người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải tuy không nhiều, nhưng dấu ấn ông để lại rất sâu đậm, đặc biệt là trên các công trình giao thông trọng điểm và những bước chuyển đổi quan trọng của ngành giao thông vận tải.

            Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải là gấp rút chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, nâng cao năng lực quản lý. Nhiều quyết định quan trọng của Đảng, Nhà nước đã góp phần tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, chấn chỉnh lại hoạt động của toàn ngành giao thông vận tải trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Công tác tổ chức của ngành giao thông vận tải được tiến hành khẩn trương trên quy mô toàn ngành nhằm sắp xếp lại lực lượng, nhanh chóng lập lại trật tự; cải tiến dần cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp đang gây cản trở và kìm hãm sản xuất, từng bước chuyển đổi sang cơ chế hạch toán. Song song với việc chấn chỉnh bộ máy lãnh đạo của ngành là việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và chấn chỉnh một bước quản lý các cấp. Khẩu hiệu hành động: "Năng suất, chất lượng, hiệu quả" trở thành phong trào thi đua khắp toàn ngành lúc này.

            Trong thời gian này, ngành giao thông vận tải đã tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đoan Vĩ, cầu Mai Lĩnh, cầu Bến Thủy..., mở rộng đường vành đai Hà Nội nhằm giải tỏa ách tắc giao thông ở khu vực thủ đô. Có thời những người công tác trong ngành giao thông vận tải ví von “cầu Long Biên là cây cầu dài nhất thế kỷ” vì thời gian để đi qua cầu. Thời kỳ này cầu Thăng Long đang gấp rút hoàn thành, từ Hà Nội qua sông Hồng lên Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... đều phải qua cầu Long Biên. Hay nói cách khác, cây cầu Long Biên gần trăm tuổi vẫn phải oằn mình “gánh” cả giao thông đường sắt và đường bộ. Để góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Hà Nội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã "huy động cán bộ giúp việc bắt đầu hành động" (theo hồi ký của ông Vũ Phạm Chánh, nguyên Chánh văn phòng Bộ GTVT). Trong các “hành động” có việc triển khai dự án cầu Chương Dương. Sau gần 2 năm thi công, ngày 30-6-1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, góp phần tháo gỡ tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Theo ông Vũ Phạm Chánh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn quan tâm đến các công trình trọng điểm khác về hạ tầng giao thông, làm mới bộ mặt giao thông như các công trình đường sắt vào các khu mỏ Apatit (Lào Cai), mỏ than Hòn Gai, Mông Dương (Quảng Ninh)...; đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt tiêu chuẩn từ Kép (Bắc Giang) đi Cái Lân (Quảng Ninh).

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thông cầu (6/1985). Ảnh: Cao Phong/TTXVN

            Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dường như là “người của những con đường”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn bó mật thiết với đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Ông là Tư lệnh của đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Khi hòa bình, ông là đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi đường Hồ Chí Minh đưa vào khai thác và hoàn thiện, nhiều tuyến đường huyết mạch khác của đất nước tiếp tục được mở ra, trong đó có đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và không ít công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác đang hối hả thi công. Nhìn mỗi con đường, chúng ta đều nhớ đến công lao, đóng góp của biết bao thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành giao thông vận tải, trong đó, in đậm bóng dáng của vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên.

            Với những cống hiến và thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huân chương, Huy chương, nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và của bạn bè Quốc tế trao tặng.

            Nhằm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, toàn quốc đã tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học, các chương trình phóng sự nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là dịp thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ, quân và dân Việt Nam đối với công lao to lớn của Trung tướng.

Phòng Tổ chức – Hành chính



Tin liên quan
Thông báo mới
Văn bản mới ban hành