Tin tức sự kiện

Kiểm tra đột xuất để bảo đảm an toàn tàu sông, tàu biển

Thời gian qua, dù chưa đến hạn đăng kiểm, nhiều phương tiện thủy, tàu biển vẫn được kiểm tra kỹ thuật đột xuất...

Kiểm tra phương tiện giữa chu kỳ đăng kiểm giúp kịp thời phát hiện lỗi kỹ thuật và yêu cầu chủ tàu thực hiện bảo trì, bảo dưỡng

Thời gian qua, dù chưa đến hạn đăng kiểm, nhiều phương tiện thủy, tàu biển vẫn được kiểm tra kỹ thuật đột xuất để phát hiện khiếm khuyết kỹ thuật có nguy cơ gây tai nạn, sự cố. Đây là việc làm nhằm nâng cao ý thức của chủ phương tiện về bảo dưỡng tàu thuyền giữa hai kỳ đăng kiểm.

Nâng ý thức chủ tàu sông

Theo chỉ đạo của Cục Đăng kiểm VN, gần đây, một số đơn vị đăng kiểm trực thuộc đơn vị này đã tăng cường kiểm tra phương tiện thủy vẫn còn hạn đăng kiểm, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố (như cháy nổ, tự chìm đắm…) do nguyên nhân kỹ thuật. Đây là giải pháp nhằm kiểm tra "chéo" chất lượng kiểm định giữa các tổ, đăng kiểm viên (ĐKV) trong mỗi đơn vị.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 (khu vực Quảng Ninh) cho biết, từ tháng 6/2016 đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 65 phương tiện thủy đang trong thời gian giữa hai chu kỳ đăng kiểm, trong đó tập trung vào tàu du lịch, lưu trú ngủ đêm. Mục đích nhằm kịp thời xử lý các trường hợp tự ý cải tạo, thay đổi thiết kế hoặc lơ là bảo dưỡng dẫn đến nguy cơ tai nạn, sự cố. Kết quả, hầu hết phương tiện đều đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo đảm các điều kiện ổn định, chống chìm, an toàn cứu sinh, cứu hỏa. Tuy nhiên, cũng có một số phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật.

"Biện pháp kiểm tra phương tiện thủy giữa hai chu kỳ đăng kiểm nhằm quản lý chặt chẽ hơn chất lượng kiểm định, giám sát đăng kiểm viên. Đồng thời, cũng trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở thuyền viên, chủ phương tiện về nghĩa vụ bảo dưỡng, bảo trì phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm theo quy định".

Ông Nguyễn Văn Hồi
Phó phòng Tàu sông
Cục Đăng kiểm VN

"Trường hợp tàu không đạt yêu cầu chất lượng, Chi cục có văn bản yêu cầu chủ phương tiện khắc phục khiếm khuyết và có ĐKV giám sát việc khắc phục. Chủ phương tiện cố tình không khắc phục, đơn vị sẽ đề nghị Cảng vụ, CSGT đường thủy đình chỉ. Tuy vậy, tất cả các trường hợp có khiếm khuyết đều chấp hành việc khắc phục, sửa chữa khiếm khuyết kỹ thuật của phương tiện", ông Đức nói.

Cũng qua kiểm tra bất thường phương tiện thủy còn hạn đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm số 4 (Đà Nẵng) phát hiện một số trường hợp phao cứu sinh cũ hỏng nhưng không được chủ phương tiện thay thế kịp thời, cá biệt có trường hợp không bảo dưỡng máy phát điện thường xuyên dẫn đến trục trặc. Ngay khi được ĐKV yêu cầu khắc phục, các trường hợp để xảy ra khiếm khuyết đã kịp thời khắc phục.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4 cho biết, từ tháng 6/2016 đơn vị phối hợp với cảng vụ, thanh tra hoặc cảnh sát đường thủy tổng kiểm tra phương tiện thủy đang còn hạn đăng kiểm, kiểm tra chéo, nhằm đánh giá khâu bảo quản phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm và cũng phổ biến các quy định về quản lý phương tiện. Đến nay, đơn vị đã kiểm tra được 54 phương tiện và đang tiếp tục triển khai tại tỉnh Bình Định.

"Phần lớn bà con nắm được quy định và chấp hành tốt. Tuy nhiên, có một số trường hợp do bảo quản không tốt, bảo quản không thường xuyên nên phát sinh lỗi kỹ thuật, ví dụ như không kịp thời thay thế phao cứu sinh bị hỏng. Sau khi được yêu cầu xử lý chủ phương tiện đều chấp hành khắc phục kịp thời và có tinh thần hợp tác tốt. Việc kiểm tra giúp bà con hiểu thêm các quy định và nâng ý thức bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, máy móc", ông Thiện cho biết.

Tăng hậu kiểm tàu biển

Bên cạnh đảm nhận quản lý chất lượng phương tiện thủy, một số Chi cục Đăng kiểm còn có trách nhiệm kiểm định tàu biển. Vì vậy, Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ công tác hậu kiểm chất lượng đăng kiểm tàu biển, nhằm ngăn ngừa tai nạn, sự cố kỹ thuật và giảm tàu biển chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ tại nước ngoài.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: "Nhằm kiểm soát chất lượng và kỷ cương, năm 2016, chúng tôi thực hiện biện pháp hậu kiểm chất lượng tàu sau khi ĐKV đã hoàn thành kiểm tra, cả với khâu kiểm tra định kỳ, trung gian và  lên đà. Đồng thời, kiểm tra đột xuất khi tàu đang trong quá trình sửa chữa, nhằm đánh giá xem ĐKV có thực hiện đủ trách nhiệm của mình hay không. Đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, vì khi tàu đã xuống nước, sẽ khó khăn trong việc phát hiện vi phạm và khắc phục các lỗi kỹ thuật".

Cũng theo ông Bằng, từ đầu năm đến nay, Phòng Tàu biển đã hậu kiểm 17 tàu biển và có 7 ĐKV bị Cục Đăng kiểm VN xử lý kỷ luật do vi phạm quy trình, bên cạnh đó một số trường hợp khác kịp thời được nhắc nhở, chấn chỉnh. Trước đây, việc hậu kiểm áp dụng chủ yếu đối với tàu chạy tuyến nội địa, nhưng từ tháng 7/2016, theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, công tác hậu kiểm được tập trung đối với tàu chạy tuyến quốc tế, nhằm giảm tối đa trường hợp tàu bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ do có khiếm khuyết kỹ thuật. Trong quý IV/2016, bộ phận chức năng của Cục tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra các đơn vị đăng kiểm tàu biểnvề nội dung tuân thủ quy trình quản lý chất lượng kiểm định, trong đó trưng dụng cán bộ đăng kiểm có kinh nghiệm của một số đơn vị tham gia đoàn kiểm tra tại đơn vị đăng kiểm khác.

Hồng Xiêm

(Nguồn: http://www.atgt.vn/kiem-tra-dot-xuat-de-bao-dam-an-toan-tau-song-tau-bien-d170897.html)



Tin liên quan
Thông báo mới
Văn bản mới ban hành