Tin tức sự kiện

Bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Ngọc - Nguyên Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Cánh Buồm tại Buổi gặp mặt 30 năm Tạp chí Cánh Buồm

Gặp mặt

30 năm Tạp chí Cánh Buồm

Ninh Bình, 18/11/2023

Thưa các anh, các chị và các bạn.

Tôi xin chào mừng và cảm ơn các anh, các chị và các bạn đã dành tình yêu cho tạp chí Cánh Buồm, nhân buổi gặp mặt 30 năm xuất bản số đầu tiên (1993-2023).

Cuộc gặp mặt của Cánh Buồm lần này, được tổ chức ở vùng đất mà hơn một ngàn năm trước, Đinh Bộ Lĩnh, người lập ra triều đại nhà Đinh đã chọn để đặt kinh đô cho Đại Cồ Việt. Ninh Bình cũng là nơi mà Lê Hoàn đã cho mở tuyến giao thông đường thủy nội địa để Nam tiến. Đó là kênh Nhà Lê, mà hơn một ngàn năm sau chúng ta vẫn khai thác, phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Trong căn phòng này, có mặt số đông anh chị em đã công tác ở Cánh Buồm, chọn Cánh Buồm làm nơi khởi nghiệp, cùng những khách mời thân thiết của tờ tạp chí viết về những dòng sông.

Suốt bốn mùa cứ lặng lẽ trôi đi/ Rất êm đềm chẳng nói điều gì/ Mà lửa cháy lòng người xa xứ/ Dòng sông cứ trôi vào lịch sử/ Để hình thành hai chữ quê hương.

Buổi gặp mặt lần thứ ba này, thiếu vắng những con người đã làm việc ở Cánh buồm với cương vị Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, họa sĩ và phóng viên. Họ không còn nữa, nhưng đã để lại tình cảm sâu đậm và những dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc. “Vận tải thủy nội địa thế kỷ 21” của TS Ngô Xuân Sơn tại Hội thảo khoa học cùng tên ở Thành phố Thanh Hóa, do tạp chí Cánh Buồm tổ chức với 3 cơ quan đồng chủ trì là Bộ Giao thông vận tải, tạp chí Cộng Sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đến nay đã gần một phần tư thế kỷ, vẫn chưa có một hội thảo khoa học tương đương nào khác, một bài nghiên cứu khoa học nào khác.

Bạn đọc Cánh Buồm khó quên những bài thơ của TS Trần Đình Trị. Dù chỉ trích dẫn một câu thôi, cũng mang nặng nỗi lòng người viết với những dòng sông: Rễ tranh cháy bìa rừng/ Có làm sông thêm mặn (?). Nỗi khắc khoải của tác giả suốt một đời làm công tác quản lý các dòng sông vẫn là câu hỏi về nhân tình, thế thái mà chắc hẳn các thế hệ mai sau vẫn tìm cách trả lời.

Chúng ta không quên nét bút của họa sĩ Thế Đức đã tạo một măng sét Cánh Buồm với những đường bút vô tận. Nhớ một Trường Giang với những tùy bút, phóng sự, ghi chép, những bài thơ chân thật mà rất lẳng đã in trên tạp chí Cánh Buồm: Tôi tha thẩn dưới tượng đài mẹ Suốt/ Lòng bâng khuâng nghe giọng nói Quảng Bình. Khi ông viết về dòng sông Son, nơi bắt đầu đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Chúng ta nhớ Nguyễn Hải Thoại: Nếu không có sông thì chẳng có cầu, để tôn vinh sự xuất hiện trước, trong lĩnh vực xây dựng của đường thủy nội địa Việt Nam.

Cùng với những người này, Cánh Buồm còn có những tác giả gạo cội khác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bài trả lời phỏng vấn của Cánh Buồm về chiến thắng sông Lô, Võ Thị Thắng với “Bàn về du lịch trên đường thủy nội địa”, Văn Cao với “Không có hai mùa”, Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống”, Hoàng Phủ Ngọc Tường với “Một chữ Hoài”, Quý Hùng với “Dòng sông âm nhạc và thơ”, Hồng Nguyệt Cẩm với “Trọng pháo xuôi bè”.

Hôm nay xin được nhắc tên vài tác phẩm tiêu biểu của những tác giả này như một lời tri ân. Họ đã nâng tầm cho Cánh Buồm. Và rằng tuy họ đã ra đi theo quy luật của cuộc sống nhưng sinh thời họ đã cùng hàng trăm tác giả khác, ở khắp mọi miền đất nước mà chúng tôi không thể đề cập hết được với nhiều thể loại truyện ngắn, phóng sự, bút ký, thơ, nhạc, họa với các đề tài đi từ những dòng sông để đến với những dòng sông nơi tạo dựng nền văn minh lúa nước. Có những tác phẩm sau khi in trên “Cánh Buồm” đã được dựng thành phim truyện, phim ca nhạc của đài truyền hình quốc gia.

Bởi vậy đã tạo ra một Cánh Buồm có kết cấu riêng, có phong cách riêng không lẫn trong hệ thống báo chí của ngành Giao thông vận tải. Cánh Buồm đã được bạn đọc yêu mến.

Bạn đọc yêu mến Cánh Buồm không chỉ vì tính đa dạng mà còn bởi Cánh Buồm đã nói lên ước muốn của con người đối xử với con sông, bảo vệ con sông, khai thác hiệu quả những con sông mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.

Và cũng từ sự khác biệt ấy mà Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam đã cùng với Bộ Giao thông vận tải đã đổi tên: Giải bơi truyền thống Bạch Đằng thành giải bơi đường dài tranh cúp Cánh Buồm và đề nghị Tạp chí làm cơ quan chủ giải suốt nhiều năm liên tục.

Thưa các anh, các chị và các bạn.

Tạp chí Cánh Buồm và Trung tâm thông tin khoa học Đường sông (viết tắt là A.E.I) là hai cơ quan được thành lập theo quyết định của cấp Bộ. Nhưng trong thực tế hoạt động lại là một. Một ban lãnh đạo, một chi bộ Đảng, một đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Anh chị em vừa làm việc bên này vừa làm công việc của bên kia.

Trung tâm A.E.I chính là đơn vị được Cục Đường Sông Việt Nam giao nhiệm vụ đào tạo lớp tin học đầu tiên cho ngành. Lớp học được mở ở trường lái tàu Hải Dương. Trung tâm cũng là cơ quan được giao thực hiện tất cả các cuộc triển lãm của ngành trên toàn quốc, nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, biên soạn từ điển thuật ngữ đường thủy nội địa Anh – Việt, xuất bản các ấn phẩm như Phòng chống bão lụt trong ngành giao thông vận tải, các ấn phẩm văn hóa cho ngành.

Tạp chí Cánh Buồm lại tổ chức bản thảo và công tác với Hội văn học nghệ thuật Hà Nội xuất bản mảng văn học như: Tình sông nước, Cánh buồm thơ…Những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa Cánh Buồm với các tạp chí: Sông Hương, Nhật Lệ, báo Hải Dương, Sở Giao thông vận tải các tỉnh đã nâng tầm hoạt động của tờ tạp chí Đường thủy nội địa Việt Nam.

Các xã ven sông hàng tháng đều được cơ quan chủ quản tạp chí gửi tặng Cánh Buồm từ kinh phí An toàn giao thông. Vì thế mà Cánh Buồm đã có mặt trong phong trào bảo vệ dòng sông ở nhiều địa phương. “Em yêu dòng sông quê em” là một điển hình. Bây giờ tạp chí và trung tâm thông tin khoa học dòng sông cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, các bạn trẻ cũng đã thành cựu “Cánh Buồm”.

Chúng tôi điểm lại một vài hoạt động như vậy vì muốn nói rằng: Anh chị em cán bộ, công nhân viên rất năng động, các bạn trẻ rất nhiệt tình, thông minh và đầy sáng tạo.

Nếu đặt ra câu hỏi rằng: Tờ “Cánh Buồm” vẫn còn hoạt động tới bây giờ thì sẽ ra sao? Có lẽ không nên đặt ra như thế, nếu chúng ta thêm một lần đọc lại biện chứng duy vật. Bởi sự tồn tại khách quan của vật chất, của quy luật các mặt đối lập, giữa lượng và chất, thì Cánh Buồm đã xuất hiện 30 năm trước, trong điều kiện chín muồi, rồi kết thúc một chu kỳ phát triển và đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử nhất định, tất yếu phải biến đổi theo lẽ tự nhiên.

Từ “Cánh Buồm” các bạn đã đi tới những chân trời mới, còn những anh chị lớn tuổi cũng cần một sự chuyển đổi theo quy luật. Đó là quy luật lượng và chất.

Trong bài thơ “Dục dã” Xuân Diệu đã viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” đã nói lên quy luật của lượng và chất. Và có thể cũng đúng với Cánh Buồm.

Thi sĩ Nguyễn Bính có câu: “Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”. Thưa thi sĩ hai câu lục bát có 14 chữ mà thi sĩ đã dành tới 8 chữ để nhắc tới “cánh buồm” thì quả thật cuộc chia tay ấy thật nồng nàn, nặng tình, nặng nghĩa và đầy ắp sự lãng mạn.

Chúng tôi nghĩ rằng các anh, các chị và các bạn dẫu có đi đầu về đâu, thì vẫn có một Cánh Buồm để nhớ, để yêu, do vậy mà cuộc gặp gỡ hôm nay là nhân duyên, như người xưa đã nói. Một lần nữa xin cám ơn các anh, các chị và các bạn./.

Nguyễn Đức Ngọc

Nguyên Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Cánh Buồm

 

 

Thời gian

(Đức Ngọc)

Nếu đòi được thời gian

Ta sẽ về quá khứ

Gặp lạ nhau “Một thời để nhớ”

Cho “Cánh buồm” lộng gió trên sông

Để con trai chưa vội lên ông

Và con gái vẫn một thời xuân sắc

Trái tim luôn dạt dào, thổn thức

Gặp lại nhau như mỗi sáng mai này

Ba mươi năm hơn một vạn ngày

Bao đổi thay dồn lên mái tóc

Bao thăng trầm đè đôi vai nặng nhọc

Con trai lên ông và con gái lên bà

Vẫn mơ về một cánh buồm xa…

 

Nếu đòi được thời gian

Sẽ gặp lại những bạn bè một thuở

Khỏi mang nặng trong lòng nỗi nhớ

Những người ra đi theo quy luật cuộc đời

Cánh buồm ơi! Cánh buồm ơi!

Sóng vẫn vỗ lao xao như khúc nhạc

“Đôi bờ sông quê” chiều nay ai hát

Nhuộm xanh đồng lúa, nương dâu

Hỡi cô lái đò ngang

Ngày chưa có nhịp cầu

Để lòng ta suốt đời như mang nợ

Bởi thời gian đâu có thể quay về!

Hà Nội, tháng 11 năm 2023

 

 



Tin liên quan
Thông báo mới
Văn bản mới ban hành