Danh mục
Tin tức sự kiện
Doanh nghiệp bảo trì đường thủy lo bị chầu rìa
Tới đây, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ VN) sẽ gộp các gói thầu bảo trì đường thủy thành các gói thầu lớn, đồng thời tách kinh phí quản lý đường thủy và kinh phí bảo trì.
Dự kiến, các gói thầu bảo trì sẽ có phạm vi rộng, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo trì phải liên doanh liên kết để tăng năng lực
Tới đây, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ VN) sẽ gộp các gói thầu bảo trì đường thủy thành các gói thầu lớn, đồng thời tách kinh phí quản lý đường thủy và kinh phí bảo trì. Chủ trương này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo trì đường thủy phải thay đổi tư duy và năng lực để tránh bị gạt ra khỏi lĩnh vực truyền thống.
Quản lý luồng đường thủy sẽ thay đổi lớn
Năm 2016, Cục ĐTNĐ VN lần đầu tổ chức thí điểm đấu thầu bảo trì các tuyến đường thủy quốc gia do cục trực tiếp quản lý trong thời gian 8 tháng. So với phương thức đặt hàng trước đó, các hợp đồng đấu thầu có yêu cầu cao hơn (như doanh nghiệp phải trang bị máy đo độ sâu, gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu công tác, lưu dữ liệu báo hiệu bằng hình ảnh...), nhưng giá trúng các gói thầu bảo trì đường thủy đều giảm 3-5% chi phí để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Lẽ ra, đến hết tháng 12/2016 các gói thầu sẽ được tổ chức đấu thầu lại, nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức được, vì vậy các hợp đồng trước đây được tiếp tục gia hạn thêm 4 tháng. Nguyên nhân chưa đấu thầu lại, theo quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của Cục ĐTNĐ Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng là do nguồn kinh phí bảo trì đường thủy năm 2017 chưa được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách.
Đề cập chủ trương đấu thầu bảo trì đường thủy lần thứ 2, ông Hùng cho biết, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi như: Tiếp tục mở rộng phạm vi đấu thầu, gộp các gói thầu nhỏ có cùng tính chất công việc để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu và tạo hiệu quả hơn trong quản lý bảo trì.
"Năm 2016, các tuyến đường thủy được chia thành hơn 20 gói thầu, năm nay sẽ gộp thành các gói thầu lớn hơn, chẳng hạn như chia thành 3 gói thầu, mỗi gói bao trọn khu vực luồng tuyến phía Bắc, miền Trung, miền Nam", ông Hùng nói và cho biết thêm, Cục ĐTNĐ VN cũng đang nghiên cứu để tách riêng chi phí quản lý Nhà nước về đường thủy (như đọc mực nước, đếm phương tiện) và kinh phí bảo trì, để rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước.
Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Hiện, toàn quốc có 15 doanh nghiệp có truyền thống hoạt động bảo trì đường thủy được chuyển từ mô hình Đoạn quản lý đường sông sang doanh nghiệp cổ phần. Trong lần thí điểm đấu thầu đầu tiên, hầu hết các doanh nghiệp trúng thầu bảo trì đúng tuyến đường thủy truyền thống từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, với chủ trương gộp thành các gói thầu lớn, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ cao hơn và thậm chí doanh nghiệp yếu năng lực vốn, tài chính, kinh nghiệm có thể sẽ không giữ được việc làm truyền thống. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chủ trương gộp gói thầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên doanh, liên kết với nhau hoặc tìm đến đối tác để tăng năng lực cạnh tranh.
Các đơn vị bảo trì đường thủy đều chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang cổ phần nên hầu hết đều khó khăn về vốn lưu động, trong khi để tạm ứng kinh phí bảo trì theo gói thầu phải có bảo lãnh tạm ứng ngân hàng như đối với đấu thầu xây lắp, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Một số giám đốc doanh nghiệp cùng bày tỏ cho biết, đặc thù của gói thầu bảo trì đường thủy không cần thời gian bảo hành như gói thầu xây lắp, nên mong trong lần đấu thầu tới đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam có cơ chế tháo gỡ khó khăn trên. |
Về phía doanh nghiệp, trước thông tin gộp thành các gói thầu và tách bớt phần việc (được xem là có tính chất quản lý Nhà nước), một số lãnh đạo doanh nghiệp bảo trì đường thủy tỏ ra lo lắng. Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 1 Trần Xuân Khơi và Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 9 Phạm Xuân Thư đều cho biết, đến nay chưa biết chủ trương đấu thầu bảo trì năm nay thế nào, nhưng nếu chỉ còn một vài gói thầu bảo trì lớn sẽ là thách thức cho doanh nghiệp trong việc giữ việc làm truyền thống cho người lao động.
Theo ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6, năm trước đã thí điểm đấu thầu hạn chế bảo trì hơn 250km sông Hồng, trước kia thuộc phạm vi 3 đơn vị. 3 doanh nghiệp phải liên danh với nhau để đấu thầu, nhưng thực chất chỉ là giảm số lượng hồ sơ, giấy tờ, vì sau đó địa bàn của đơn vị nào thì vẫn đơn vị đó làm.
"Nếu mở rộng phạm vi gói thầu hơn, chắc chắn số doanh nghiệp phải liên danh, liên kết nhiều hơn. Song, nếu tất cả hợp tác với nhau thì thuận, còn không hợp tác dễ sinh mâu thuẫn", ông Định nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn cho rằng, việc tách, bỏ bớt đầu việc vốn đang nằm trong các gói thầu bảo trì (như đọc mực nước, đếm phương tiện, quan hệ với địa phương... để chuyển sang cho đơn vị quản lý Nhà nước), sẽ khiến mất thêm công việc, thu nhập từ bảo trì và cũng không phù hợp. Theo ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3, những công việc như đọc mực nước, đếm phương tiện, quan hệ với địa phương bản chất là dịch vụ công để phục vụ công tác quản lý luồng, tuyến mà các doanh nghiệp đều làm được. Thực tế, từ trước đến nay các doanh nghiệp đều đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các địa phương, chính quyền cơ sở để giải quyết những tình huống xảy ra trên luồng, kể cả tuyên truyền, phổ biến pháp luật đường thủy.
Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 Cao Văn Định đồng quan điểm: "Quản lý Nhà nước là phải đưa ra bằng văn bản quy phạm pháp luật, rồi xem doanh nghiệp thực hiện ra sao và kiểm tra, xử lý, đâu phải là đi đọc mực nước, đếm phương tiện. Nếu doanh nghiệp đang làm tốt nên để doanh nghiệp làm".
Huy Lộc
(Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-bao-tri-duong-thuy-lo-bi-chau-ria-d188484.html)
- Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Đường thủy nội địa Việt ...
- Thông báo kết quả tuyển dụng viên chức năm 2024
- Thông báo triệu tập thí sinh dự xét tuyển viên chức Vòng 2 năm 2024
- Thông báo triệu tập thí sinh sát hạch Tiếng Anh, Tin học Vòng 1
- Giao lưu bóng đá hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành giao ...
- Thư chúc mừng nhân kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Đường thủy nội địa Việt ...
- Giao lưu bóng đá hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành giao ...
- Tăng cường phối hợp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Chi Đoàn thanh niên Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tích cực tổ chức, ...
- Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trong dịp ...
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Hội ...
- Bài phát biểu của ông Nguyễn Đức Ngọc - Nguyên Phó Tổng biên tập thường ...
- Kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa
- Thư chức mừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày ...
- Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II thực hiện chức năng quản lý nhà nước ...