Tin tức sự kiện

Cách nào hạ nhiệt ATGT đường thủy?

Từ đầu năm 2016, trật tự ATGT đường thủy diễn biến phức tạp với nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa TNGT trong những tháng cuối năm 2016

Từ đầu năm 2016, trật tự ATGT đường thủy diễn biến phức tạp với nhiều vụ TNGTnghiêm trọng. Đáng nói, tháng 8 vừa qua, TNGT trong lĩnh vực này tăng rất cao so với cùng kỳ, là mối lo lớn đối với công tác đảm bảo ATGT.

Nhiều nguy cơ tăng TNGT đường thủy

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tháng 8 vừa qua, đường thủy xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 8 người; Tăng 266% số vụ và 166% số người chết so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến phương tiện vận chuyển hàng hóa làm chết người chiếm 68%, phương tiện chở khách chiếm 10%, phương tiện gia dụng chiếm 21%. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông, chở hàng hóa quá tải, cũng như khách du lịch, người đi đò chưa ý thức phòng ngừa TNGT.

Trực tiếp có mặt trên nhiều tuyến sông phía Bắc như các sông: Hồng, Lô, Kinh Thầy, Thái Bình… PV Báo Giao thông mục sở thị nhiều nguy cơ dẫn tới mất ATGT đường thủy, nhất là đối với các phương tiện chở hàng trọng tải lớn, từ 1.000 - 3.000 tấn. Thời gian qua, phương tiện trọng tải lớn tăng cao, trong khi cảng bến hoạt động không phép, trái phép vẫn phổ biến, khiến nhiều đoạn luồng tuyến bị thu hẹp. Cùng đó, tình trạng phương tiện đậu đỗ tùy tiện, chở quá tải và lấn chiếm luồng phổ biến, đe dọa xảy ra TNGT.

"Cả nước hiện có khoảng 2.000 bến thủy không phép hoặc hoạt động trái phép. Đây là nơi xuất phát các phương tiện ba không (không đăng ký, đăng kiểm, người lái không có chứng chỉ chuyên môn và không có xuất xứ hàng hóa) gây mất trật tự ATGT đường thủy. Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo lực lượng thanh tra, cảng vụ ĐTNĐ trong tháng 9/2016 phải tăng 20% lượng phương tiện được kiểm tra an toàn từ cảng bến để ngăn ngừa tai nạn và tránh tình trạng như vừa qua là khi xảy ra TNGT không xác định được xuất phát từ bến nào”.

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởngCục ĐTNĐ Việt Nam

Đơn cử tại sông Lô đoạn qua thị trấn Bãi Bằng, Đoan Hùng, trước đây các trạm quản lý đường thủy nằm sát mép sông (hành lang luồng). Hiện tại, các cảng, bến thủy đã đua ra 200 - 300m so với trạm. Gần đây, còn xuất hiện khá nhiều tàu đậu đỗ trên luồng để chuyển tải hàng hóa từ tàu nhỏ sang tàu trọng tải lớn. Theo lãnh đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực II, nhiều cảng, bến thủy trên sông Lô đang hoạt động nhưng không có phép hoặc chưa được gia hạn cấp phép do không đủ điều kiện về đất đai, vi phạm quy định về đê điều, thủy lợi.

Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật cảng Hải Linh cho biết: “Phương tiện thủy chở hàng hóa gia tăng quá nhanh nhưng luồng lại bị thu hẹp, khi mực nước xuống nguy cơ tai nạn luôn rình rập”.

Một nguy cơ khác là tình trạng phương tiện thủy không đăng kiểm định kỳ diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, hiện có khoảng 40% phương tiện trốn đăng kiểm định kỳ. Cùng đó là một lượng lớn phương tiện tự ý cơi nới chiều cao để chở hàng quá khổ, điển hình như gỗ dăm. Ông Cao Thanh Phú, Chỉ huy công trường chống tàu thuyền va trôi cầu Bình (sông Kinh Thầy) cho biết, gần đây nhiều trường hợp tàu có chiều cao cabin cao hơn tĩnh không cầu, khi đến cầu phải bơm nước dằn mới chui được qua cầu.

Còn theo Trưởng chi cục ĐTNĐ phía Bắc Nguyễn Công Minh, hoạt động vận tải khách du lịch, đò ngang hiện vẫn khá phức tạp, tình trạng vi phạm quy định ATGT vẫn phổ biến. “Từ đầu năm đến nay, số lượng vi phạm Luật GTĐT nội địa được lực lượng thanh tra của Chi cục xử lý tăng gần 6 lần so với năm trước”, ông Minh nói.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa TNGT trong những tháng cuối năm 2016

Mở cao điểm tuyên truyền, xử lý vi phạm

Chia sẻ về giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy trong thời gian tới, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho rằng, vi phạm hành lang đường thủy đang diễn biến rất phức tạp. Nếu chậm trễ trong quản lý sẽ lặp lại tình trạng vi phạm hành lang tràn lan như đường bộ và đường sắt đã từng xảy ra. “Để giải quyết vấn đề này, hạ nhiệt TNGT đường thủy, Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT xây dựng đề án lập lại trật tự hành lang đường thủy”, ông Giang nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tới đây, Bộ GTVT cần đẩy mạnh triển khai các đề án kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải, nhất là vận tải ĐTNĐ và đường sắt, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đồng thời, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ và đường thuỷ nội địa trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trước thực tế vi phạm phổ biến trên, hai đơn vị chức năng là Cục Cảnh sát giao thông và Cục ĐTNĐ Việt Nam đều chỉ đạo lực lượng trực thuộc (cảnh sát, thanh tra, cảng vụ đường thủy) mở cao điểm tuyên truyền, kiểm tra và xử lý vi phạm giao thông đường thủy. Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết, Chi cục một mặt điều động các tàu công tác đi thanh, kiểm tra, xử lý các “điểm nóng” vi phạm, đồng thời phối hợp với TTGT, CSGT các địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình... mở cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy.

Hồng Xiêm - Trần Duy

(Nguồn: http://www.atgt.vn/cach-nao-ha-nhiet-atgt-duong-thuy-d167991.html)



Tin liên quan
Thông báo mới
Văn bản mới ban hành